Ước tính tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 (do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán). Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái: tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%.
Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc: tăng gấp hơn 3 lần. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%... Tháng 1/2024, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Nhật). Riêng mặt hàng tôm và cá tra, Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong tháng 1/2024 khi xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tháng 1 năm nay cũng chính là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.
Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024 (đặc biệt trong nửa cuối năm); Trong đó, xuất khẩu hai mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra sẽ phục hồi sau khi đã giảm mạnh trong năm 2023.
Dự báo năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10-15% so với năm 2023 (nhất là trong 6 tháng cuối năm) khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại. Trong khi ngành cá tra cũng đặt mục tiêu phấn đấu diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, những căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng thủy sản nói riêng khi cước vận chuyển tăng cao. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.
Bên cạnh căng thẳng trên Biển Đỏ đầu năm 2024 khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng, mới đây, Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) - một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Mỹ - đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Liên quan đến vụ việc này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.
Việt Nam - Một trong ba quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới
Theo VASEP, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Na-uy). Đã xuất khẩu tới gần 170 thị trường bao gồm những thị trường lớn và khó tính nhất (như EU, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Anh, Trung Quốc...), kim ngạch xuất khẩu đứng trong Top10 ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước. Bên cạnh đó, ngành Thủy sản cũng đã thúc đẩy và tạo việc làm, sinh kế cho hơn 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm đông đảo nông dân nuôi trồng thủy sản và ngư dân khai thác biển). Ngành hàng là một minh chứng về khả năng và nỗ lực “nội sinh”, với đa số là doanh nghiệp tư nhân và kim ngạch xuất khẩu do các doanh nghiệp tạo ra chiếm tới 95% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Trong năm 2024, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm sẽ là tín hiệu tích cực cho kinh tế và tiêu dùng. Bên cạnh đó, lãi suất đã giảm xuống như giai đoạn 2022 và linh hoạt, gói hỗ trợ 15.000 tỷ VNĐ cho lâm-thủy sản là những động lực tốt. Các động thái cấm vận thương mại thủy sản của Mỹ, EU với Nga, của Trung Quốc, Nga với Nhật Bản… cũng làm thay đổi cục diện thương mại của các nước trên thế giới, tác động gián tiếp và tạo ra một số cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam. Cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng thủy sản, mà Việt Nam là một trong số những lựa chọn được các doanh nghiệp thủy sản tại nhiều thị trường quan tâm (dựa trên năng lực và thế mạnh về chế biến và đảm bảo chất lượng sản phẩm). Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính được Quốc hội, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, khắc phục các điểm nghẽn, cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn và tạo tâm lý tốt cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
An ninh lương thực tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia
Vấn đề này đang thúc đẩy nhiều nước gia tăng sản xuất nội địa để hạn chế rủi ro của an ninh lương thực, tác động trực tiếp đến nhu cầu nhập khẩu trong tương lai gần. Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng vẫn ở mức cao, rủi ro tài chính-tiền tệ còn hiện hữu khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh hơn – tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có xuất khẩu thủy sản.
Mặt khác, xung đột Nga – Ukraina, và gần đây nhất là giao tranh ở Trung Đông làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản. Một trong những hệ lụy là chi phí vận tải biển tăng cao đáng kể bắt đầu từ tháng 01/2024 (đặc biệt là cước tàu đi EU, Mỹ và Canada). Các rào cản thương mại gia tăng và quy định thị trường khắt khe hơn, như vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ với tôm 4 nước (trong đó có Việt Nam); vấn đề thẻ vàng IUU và chương trình giám sát ATTP của EU sau đợt thanh tra tháng 6/2023.
Nhu cầu tiêu thụ hồi phục chậm ở hầu hết các thị trường chính, các nhóm ngành hàng (tôm, cá tra, hải sản khai thác) tiếp tục khó khăn kéo dài đến năm 2024 do tình hình kinh tế thế giới, chiến tranh, lạm phát, và sự cạnh tranh từ các nước khác (Ecuador, Ấn Độ, Indonesia…). Sản xuất nguyên liệu trong nước bị tác động tiêu cực: Trong khi cầu thu mua giảm; trái lại, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng cao đã khiến khu vực sản xuất nguyên liệu thủy sản gặp nhiều khó khăn và chững lại. Các khó khăn có thể kể đến như: dịch bệnh tôm, chất lượng tôm giống không ổn định, chi phí thức ăn cao hơn các nước cạnh tranh, vấn đề vốn cho nông dân. Đối với cá Tra, giá thức ăn tăng cao (+30%) là mấu chốt khiến giá thành sản phẩm cao.
Cá ngừ và hải sản khai thác: các quy định thị trường về an toàn thực phẩm và chống khai thác bất hợp pháp (IUU) đã tác động rõ rệt đến nguồn cung nguyên liệu (cả khai thác trong nước và nhập khẩu) để đáp ứng các đơn hàng. Các biện pháp kiểm soát ATTP quá nghiêm ngặt và sự chậm trễ, kéo dài trong quá trình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác đang khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng với nhiều rủi ro mất các khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, còn có những bất cập liên quan đến chi phí tuân thủ quy định và thủ tục hành chính; tiếp tục là trở ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Chi phí thức ăn là thách thức lớn đối với ngành hàng tôm và cá tra
Theo VASEP, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024. Chi phí lớn và tăng cao của thức ăn chính là thách thức lớn cho ngành nuôi tôm và cá tra. Trong năm 2024, mặt hàng tôm của Việt Nam tiếp tục cạnh tranh với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024. Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản và tăng xuất khẩu tôm chế biến (dù tỷ trọng hiện tại khá khiêm tốn).
Đối với cá tra: Tồn kho tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm phile đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra GTGT và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá) tiếp tục tăng. Hiện nhu cầu thị trường tập trung vào các phân khúc hàng giá rẻ hơn như cá hộp, cá nguyên liệu để chế biến cá hộp, cá khô, tép khô.
Trong thời gian tới, xu hướng gia công xuất khẩu sẽ tăng lên sau khi ngành chế biến thủy sản Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức và động thái của Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản khiến các nhà máy Nhật Bản đổ sang Việt Nam và một số nước khác tìm đối tác gia công. Năm 2024, Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất -xuất khẩu và tăng gia công cho các thị trường Nhật Bản, Mỹ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cơ hội gia tăng doanh số từ chính thị trường trong nước thông qua các kênh bán lẻ và dịch vụ. Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản khai thác dự báo thu về khoảng 3,6 – 3,8 tỷ USD.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức lớn đối với ngành thủy sản Việt Nam. Năm 2024, nhiều khó khăn sẽ tiếp tục chi phối tình hình sản xuất - xuất khẩu. Ngoài ra sẽ có thêm những thách thức khác làm chậm tiến trình hồi phục xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Ngọc Thúy - FICen